Thuốc phóng xạ Vinatom FDG
I. Giới thiệu
Trong chương trình hợp tác song phương về khoa học công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một hệ thống thiết bị máy gia tốc cyclotron KOTRON 13MeV đã được lắp đặt và vận hành thử nghiệm tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam với mục đích chính là sản xuất các đồng vị phóng xạ (ĐVPX) và dược chất phóng xạ (DCPX) sử dụng cho PET/CT như F-18, C-11... Đây cũng là cơ sở để đào tạo đội ngũ cán bộ về vận hành, bảo dưỡng thiết bị tổng hợp dược chất phóng xạ. Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội có đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu và tập trung, đã có kinh nghiệm làm việc trong suốt thời gian thực hiện dự án xây dựng Trung tâm máy gia tốc PET/CT tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và đã được đào tạo, bồi dưỡng ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Bỉ,... và tại một số cơ sở máy gia tốc khác trong nước nên đã tiếp nhận thành công chuyển giao công nghệ, vận hành và quản lý an toàn dây chuyền sản xuất DCPX 18F-FDG trên máy gia tốc KOTRON13.
Hiện nay, PET/CT là phương pháp chẩn đoán có giá trị và hiệu quả được ứng dụng trong một số bệnh lý ung thư, tim mạch, thần kinh và nhiễm trùng. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy PET đã làm thay đổi quyết định điều trị trên 30% ở bệnh nhân ung thư. Dựa trên các bằng chứng khoa học và hiệu quả kinh tế của PET và PET/CT mang lại, cơ quan bảo hiểm y tế của các quốc gia trong đó có Việt Nam đã phê duyệt PET và PET/CT được sử dụng như một phương pháp chuẩn, chấp nhận chi trả trong một số trường hợp bệnh lý.
II. Sản xuất thuốc phóng xạ VINATOM FDG:
1. Mô tả:
Dược chất phóng xạ 18F-FDG, một chất có cấu trúc tương tự như glucose đang được dùng phổ biến nhất hiện nay trong lâm sàng. 18F-FDG được vận chuyển vào tế bào nhờ các chất vận chuyển ở màng (membrane transport) và được phosphoryl hóa nhờ men hexokinase nhưng sau đó tích tụ trong tế bào do bị “bẫy chuyển hóa” (metabolically trapped). Thông thường, 18F-FDG được tiêm vào tĩnh mạch, sau giai đoạn hấp thu khoảng 45- 60 phút, 18F-FDG được bắt giữ tại tổn thương và được phát hiện trên hình ảnh PET. Ngoài các ứng dụng phổ biến trong ung thư, 18F-FDG còn được áp dụng chụp PET chẩn đoán sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer, chẩn đoán khu trú nguyên nhân động kinh, chẩn đoán cơ tim sống còn (myocardial viability), chẩn đoán khu trú viêm, nhiễm trùng…
Dược chất phóng xạ 18F-FDG được sản xuất tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội và đăng ký lưu hành với tên thương mại VINATOM FDG.
Thuốc VINATOM FDG là dung dịch tiêm tĩnh mạch có chứa chất phóng xạ F-18, vô trùng, trong suốt, không màu hoặc có màu vàng nhạt, không chứa vật lạ.
Dung dịch tiêm tĩnh mạch VINATOM FDG (Fluorine 18 Fluorodeoxyglucose (F-18FDG)) là thuốc phóng xạ dùng để chẩn đoán, sử dụng trong chụp xạ hình cắt lớp positron (Positron Emission Tomography - PET). Dung dịch tiêm tĩnh mạch VINATOM FDG (Fluorine 18 Fluorodeoxyglucose (F-18FDG)) chứa hoạt chất chính là 2-[18F]fluoro-2-deoxyD-glucose (tên theo IUPAC) có công thức phân tử: C6H1118FO5 với khối lượng mol là 181,15 g/mol và công thức hóa lập thể:
Dung dịch tiêm tĩnh mạch VINATOM FDG chứa đồng vị phóng xạ F-18, có chu kỳ bán rã T1/2 = 109,83 phút và năng lượng tia gamma là 511 keV.
Thuốc VINATOM FDG được sản xuất bằng mô đun đa năng All In One (AIO), TRASIS, Bỉ là một trong những mô đun tổng hợp thuốc phóng xạ hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Chất lượng thuốc VINATOM FDG đạt tiêu chuẩn theo các tiêu chí của Dược điển Mỹ (USP) và Dược điển Anh (EP).
2. Đặc tính dược động học
Đặc điểm chung FDG được vận chuyển thụ động vào tế bào theo cơ chế khuếch tán nhờ các chất vận chuyển glucose ở màng. Khi vào trong tế bào, FDG được phosphoryl hóa trở thành FDG-6-phosphate và bị tích lũy trong tế bào do không được chuyển hóa tiếp tục hay dự trữ dưới dạng glycogen như glucose. Các nghiên cứu đã thấy rằng việc bắt giữ FDG trong tế bào ác tính chủ yếu là do tăng nồng độ các chất vận chuyển glucose (đặc biệt là Glut-1) ở màng tế bào, các men hexokinase như HK-II…Trong hầu hết các loại ung thư FDG được vận chuyển vào tế bào nhờ các chất vận chuyển ở màng (membrane transport) và được phosphoryl hóa nhờ men hexokinase nhưng sau đó tích tụ trong tế bào do bị “bẫy chuyển hóa” (metabolically trapped). FDG được sử dụng đường tĩnh mạch, sau khi tiêm khoảng 45 - 90 phút, FDG được bắt giữ tại vị trí tổn thương và được phát hiện trên hình ảnh PET, PET/CT. FDG không bị chuyển hóa mà được bài xuất trực tiếp ra ngoài cơ thể theo đường nước tiểu.
2.1. Hấp thu
Dung dịch tiêm tĩnh mạch VINATOM FDG chỉ sử dụng duy nhất theo đường tiêm tĩnh mạch. Hấp thu 100%. Liên kết với protein huyết tương, mức độ liên kết của VINATOM FDG với protein huyết tương chưa được ghi nhận.
2.2. Phân bố
VINATOM FDG (Fluorine 18 Fluorodeoxyglucose (F-18 FDG)) sau khi vào máu tập trung chủ yếu ở những bộ phận có tỷ lệ chuyển hóa glucose cao. Thuốc tập trung nhiều ở não và tim, vì thế bệnh nhân cần nhịn ăn để giảm thiểu sự hấp thu glucose do chuyển hóa thức ăn nhằm tăng sự hấp thu VINATOM FDG ở các cơ quan này. Các tổ chức mô, cơ quan khác có tỷ lệ hấp thu, chuyển hóa ở mức thấp đến trung bình và thời gian lưu giữ thuốc ở các cơ quan này không dài.
2.3. Chuyển hóa
VINATOM FDG (Fluorine 18 Fluorodeoxyglucose (F-18FDG)) được vận chuyển vào tế bào qua các chất vận chuyển glucose ở màng. Khi vào trong tế bào F-18FDG được phosphoryl hóa trở thành [18F]-FDG-6-phosphate và bị tích lũy trong tế bào do không được tiếp tục chuyển hóa hay dự trữ dưới dạng glycogen như glucose. Mức độ chuyển hóa VINATOM FDG theo mức độ sử dụng glucose tại vị trí mô đó. VINATOM FDG không chứa tạp chất 2-deoxy-2-chloro-D-glucose (C1DG) do sử dụng NaOH để thủy phân. VINATOM FDG được thanh thải ra ngoài mô (không phải mô tim) trong vòng 3 - 24 giờ sau khi tiêm. Với mô tim, thời gian thanh thải cần lâu hơn, khoảng 96 giờ. VINATOM FDG không liên quan đến quá trình chuyển hóa glucose ở bất kỳ mô, tổ chức cơ quan nào, thải trừ qua nước tiểu.
2.4. Thải trừ
VINATOM FDG (Fluorine 18 Fluorodeoxyglucose (F-18FDG)) được thải trừ không có sự thay đổi trong nước tiểu (ước lượng 20% lượng thuốc tiêm vào ban đầu được thải trừ trong 2 giờ đầu tiên), vì thế mà đường niệu có xu hướng tích tụ F-18FDG.
VINATOM FDG thanh thải hầu hết ra khỏi mô trong vòng 24 giờ và thải ra khỏi cơ thể qua đường niệu. Quá trình thải trừ gồm ba giai đoạn, trong 33 phút đầu tiên, trung bình khoảng 3,9% tính theo liều tiêm được tìm thấy trong nước tiểu và lượng phơi nhiễm phóng xạ trung bình sau 02 giờ đo được trong nước tiểu khoảng 20,6% tính theo liều tiêm. Một số trường hợp đặc biệt phạm vi mở rộng liều và các nghiên cứu điều chỉnh liều thuốc Fluorine 18 Fluorodeoxyglucose (F-18 FDG) trong trường hợp bình thường và một số trường hợp đặc biệt chưa đầy đủ thông tin. Trong trường hợp bệnh nhân nhi động kinh, liều thấp 2,6 mCi được khuyến cáo.
2.5. Quy cách đóng gói
Dung dịch tiêm tĩnh mạch VINATOM FDG được đóng gói theo quy cách bình chì chứa 1 lọ thủy tinh 10 mL, vô khuẩn. Hàm lượng: 5 - 200 mCi/ml. pH dung dịch tiêm từ 4,5 - 8,5.
2.6. Điều kiện bảo quản, hạn dùng
Hạn dùng: 12 giờ sau khi kết thúc quá trình tổng hợp.
Bảo quản:
- Bảo quản ở nhiệt độ không quá 30oC, nơi khô ráo, thoáng mát.
- Đảm bảo có che chắn phóng xạ theo quy định.