Hóa phóng xạ

CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VỀ HÓA PHÓNG XẠ VÀ HƯỚNG NGHIÊN CỨU

Máy gia tốc cyclotron KOTRON 13 (Việt Nam – Hàn Quốc) được lắp đặt tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội và đi vào hoạt động từ giữa năm 2016. Trong giai đoạn mới thành lập, các cán bộ và nghiên cứu viên đã được đào tạo từ cơ bản đến nâng cao bởi các chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước như Hàn Quốc, Đức, Bỉ… và thực hành tại các cơ sở trong và ngoài nước.

I. Một số kết quả nghiên cứu về hóa phóng xạ từ 2014 đến nay

Với việc thực hiện các đề tài nghiên cứu, lĩnh vực hóa phóng xạ tại Trung tâm CXHN đã đạt được một số thành tựu nhất định với việc làm chủ dây chuyền sản xuất thuốc phóng xạ [18F]FDG sử dụng ghi hình PET/CT cho người bệnh chẩn đoán các bệnh ung thư, tim mạch và thần kinh.

Kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực hóa phóng xạ trong những năm qua được kể đến như sau:

1. Đề tài Nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ 2014 – 2015: Nghiên cứu làm chủ quy trình sản xuất dược chất phóng xạ 18F-FDG trên máy gia tốc Cyclotron KOTRON 13MeV của Hàn Quốc tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội” được thực hiện khi thiết bị KOTRON13 bắt đầu đi vào hoạt động năm 2014.

Các kết quả đạt được:

        Xây dựng quy trình sản xuất 18F-FDG trên máy gia tốc cyclotron KOTRON 13MeV và module tổng hợp Samyoung Unitech và quy trình đảm bảo chất lượng (QA), quy trình kiểm nghiệm chất lượng (QC) DCPX 18F-FDG đạt tiêu chuẩn dược điển Anh (BP) tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội:

Đề tài đã xây dựng được 2 quy trình:

-  Quy trình sản xuất DCPX 18F-FDG bằng máy gia tốc cyclotron KOTRON 13MeV và module tổng hợp Samyoung Unitech

-  Quy trình đảm bảo chất lượng và kiểm nghiệm chất lượng QA/QC cho DCPX 18F-FDG đạt tiêu chuẩn dược điển Anh (BP).

      Xây dựng bộ tài liệu (huấn luyện) giảng dạy và tổ chức đào tạo thực hành sản xuất dược chất phóng xạ 18F-FDG trên máy gia tốc cyclotron KOTRON13: Đề tài đã xây dựng được bộ tài liệu (gồm 9 chuyên đề huấn luyện) phục vụ đào tạo thực hành sản xuất DCPX 18F-FDG, bảo đảm chất lượng và kiểm nghiệm chất lượng dược chất phóng xạ 18F-FDG đạt tiêu chuẩn dược điển BP dùng làm tài liệu đào tạo nội bộ cho Viện NLNTVN.

Sau các khóa đào tạo lý thuyết và thực hành, đội ngũ cán bộ nghiên cứu có thể sản xuất và kiểm nghiệm chất lượng dược chất phóng xạ (DCPX) [18F]FDG trên các mô-đun và hệ thống kiểm soát chất lượng khác nhau như GE-MX (GE), Synthera (IBA) và Samyoung Unitech (SYU).

2. Đề tài Nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ 2016 – 2018:Nghiên cứu chế tạo Module tổng hợp dược chất phóng xạ 18F-NaF và tổng hợp dược chất phóng xạ 18F-NaF tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội”.

Hiện nay trên thế giới đang sử dụng DCPX 18F-NaF chẩn đoán di căn xương thay thế cho Tc-99m MDP. Việc thay thế này vì những lý do sau:

- Do DCPX 18F-NaF đã được FDA chấp nhận an toàn và hiệu quả hơn trong việc chẩn đoán di căn xương.

- Tc-99m thu được là sản phẩm phân rã của Molypden-99. Mặc dù nhu cầu sử dụng rất lớn nhưng chỉ có 6 lò phản ứng hạt nhân trên thế giới sản xuất Molypden-99 (tức là sản xuất Tc-99m generator) cho tất cả các loại chẩn đoán hình ảnh này (ước tính toàn cầu khoảng 30 triệu ca mỗi năm) trong khi đó có rất nhiều máy gia tốc Cyclotron có thể sản xuất ra đồng vị phóng xạ F-18.

- Liều dùng của DCPX 18F-NaF tương tự như DCPX 18F-FDG.

- Hình ảnh chụp PET dùng DCPX 18F-NaF rõ ràng hơn, độ nhạy cao hơn và hình ảnh có độ phân giải cao hơn so với hình ảnh chụp SPECT với Tc-99m MDP.

- Dược chất phóng xạ 18F-NaF chụp bằng PET/CT có nhiều ưu điểm hơn Tc-99m MDP chụp bằng SPECT như so sánh dưới bảng sau:

 

18F-NaF PET/CT

Tc-99m MDP SPECT

Chu kỳ bán rã

110 phút

6 giờ

Thời gian trước tiêm

1 giờ

2 đến 4 giờ

Liều tiêm

5-10 mCi

25-50 mCi

Thời gian quét

25 phút

60 phút

Việc thiếu hụt của Tc-99m MDP với bằng chứng vào năm 2009 lò phản ứng hạt nhân Chalk River Canada dừng hoạt động để sửa chữa đã làm cho hàng ngàn bệnh viện ở Bắc Mỹ rơi vào hoàn cảnh không có Tc-99m, kết quả là số lượng lớn bệnh nhân bị từ chối chuẩn đoán hình ảnh và hàng loạt các khoa y học hạt nhân rơi vào khủng hoảng.

Vì thế nên năm 2010, Chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi tiếp tục nghiên cứu DCPX 18F-NaF và dự án này vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.

Những nghiên cứu trên thế giới hiện nay cho thấy DCPX 18F-NaF đang dần thay thế Tc-99m MDP.

Tại thời điểm hiện nay, DCPX 18F-NaF đã được FDA xác định hiệu quả và an toàn trong lĩnh vực xác định di căn xương và đang được sản xuất, phân phối để sử dụng lâm sàng trên người với liều dùng được quy định theo tiêu chuẩn dược phẩm. Nhu cầu sử dụng cũng được tăng lên hàng tháng hàng năm trên thế giới.

Các kết quả đạt được:

  •         Module tổng hợp DCPX 18F–NaF đã được thiết kế, chế tạo thành công tại Trung tâm CXHN.
  •       Đã tối ưu các thông số cho quá trình tổng hợp và vệ sinh đường ống module tổng hợp, thời gian quá trình tổng hợp khoảng 12,5 phút và hiệu suất trung bình đạt khoảng 95,5% (EOS).
  •       Chất lượng DCPX 18F-NaF đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Mỹ 38 (USP38)
  •      DCPX 18F-NaF ghi hình thỏ trên thiết bị PET/CT trong kiểm tra tiền lâm sàng cho hình ảnh rõ nét trên toàn bộ hệ xương, trong thận và bàng quang theo đặc điểm sinh lý.
  •      Đưa ra bộ tài liệu bao gồm đầy đủ các nội dung liên quan đến phần mềm điều khiển, bản vẽ thiết kế, hướng dẫn sử dụng, quy trình bảo dưỡng module tổng hợp, nguyên lý sản xuất, vận hành, quy trình điều chế DCPX 18F-NaF và quy trình kiểm nghiệm chất lượng DCPX 18F-NaF tại Trung tâm CXHN.
  •      Đề tài đã đăng 1 bài báo trên tạp chí Thông tin KH &CN Hạt Nhân (số 53, tháng 12 năm 2017, trang 12-16) ;1 báo cáo poster tại Hội nghị KH & CN Hạt nhân toàn quốc lần thứ 13 (tháng 08 năm 2019 tại Hạ Long); 1 bài báo đã được đăng trên Tạp chí KHCN Nuclear Science and Technology của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam.

II. Xây dựng tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc – Good Manufacturing Practices” – GMP cho dây chuyền sản xuất thuốc phóng xạ VINATOM FDG:

  • Năm 2021, Trung tâm được Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận “Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc”.
  • Năm 2024, Trung tâm được Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế tái đánh giá và cấp giấy chứng nhận “Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc”.

III. Định hướng nghiên cứu:

1. Điều chế dược chất phóng xạ [18F]PSMA-1007 bằng máy gia tốc cyclotron tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội và nghiên cứu đánh giá khả năng bắt giữ phóng xạ trên in vivo, in vitro trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.

2. Điều chế dược chất phóng xạ [89Zr]TRASTUZUMAB tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội và nghiên cứu đánh giá tiền lâm sàng trong chẩn trị ung thư vú.

3. Bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì hoạt động ổn định của các thiết bị tổng hợp dược chất phóng xạ, các thiết bị kiểm nghiệm chất lượng dược chất phóng xạ phục vụ nghiên cứu và triển khai dịch vụ.