SEMINAR KHOA HỌC tại TRUNG TÂM CHIẾU XẠ HÀ NỘI chuẩn bị cho HỘI NGHỊ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HẠT NHAN TOÀN QUỐC LẦN THỨ 15
08/15/2023 03:46:33 PM


Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân (Vietnam Conference on Nuclear Science and Technology –VINANST), được tổ chức hai năm một lần, là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng của ngành Năng lượng Nguyên tử Việt Nam. Hội nghị là nơi gặp gỡ và trao đổi các kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cả ở trong và ngoài nước. Tiếp nối thành công của Hội nghị Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Việt Nam lần thứ 14 được tổ chức tại thành phố Đà Lạt vào năm 2021,VINANST–15 ​​sẽ diễn ra tại thành phố Nha Trang từ ngày 09 – 11 tháng 8 năm 2023.  

Trong suốt những năm qua, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội luôn có những đóng góp tích cực cho các kỳ VINANST với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đang hoạt động trong lĩnh vực Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Bức xạ. Trung tâm đã mang đến nhiều bài báo khoa học và nghiên cứu chất lượng, có tính chuyên môn và tính ứng dụng cao. Nhằm chuẩn bị chu đáo cho VINANST–15 lần này, vào ngày 03/08/2023, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (TTCXHN) đã tổ chức một buổi seminar khoa học, bao gồm 04 bài báo cáo của các nghiên cứu viên trong Trung tâm: 1. ThS. Nguyễn Văn Sỹ – Phó Giám Đốc TTCXHN, 2. ThS. Trần Băng Diệp – Trưởng phòng Nghiên cứu Công Nghệ Bức xạ, 3. ThS. Nguyễn Văn Bính – Nghiên cứu viên phòng Nghiên cứu Công nghệ Bức xạ và 4. ThS. Trần Mạnh Thắng – Phó phòng Hóa Phóng xạ.

Buổi seminar diễn ra với sự tham dự của TS. Phan Việt Cương – Giám đốc TTCXHN, TS. Trần Minh Quỳnh – Phó giám đốc TTCXHN và TS. Đặng Quang Thiệu – Nghiên cứu viên cao cấp, cùng toàn thể cán bộ nghiên cứu các phòng ban chuyên môn của Trung tâm chiếu xạ Hà Nội.

 

Ban giám đốc và các cán bộ các phòng ban của Trung tâm chiếu xạ Hà Nội

 trong buổi Seminar

Buổi Seminar bắt đầu với phần trình bày của PGĐ. ThS Nguyễn Văn Sỹ với đề tài: “ĐIỀU CHỈNH CHO SỰ PHỤ THUỘC VÀO NHIỆT ĐỘ CỦA BỘ ĐẦU DÒ NHẤP NHÁY SiPM”. Trong báo cáo này, Tác giả và các cộng sự trình bày một phương pháp để ổn định xung đầu ra cho đầu đo nhấp nháy sử dụng bộ nhân quang silicon (SiPM). Phương pháp này dựa trên đặc tính của SiPM là chúng có độ khuếch đại tăng khi điện áp phân cực tăng và giảm khi nhiệt độ tăng. Nhóm nghiên cứu đã thiết kế một nguồn cung cấp điện áp phân cực cho SiPM sử dụng vi xử lý để quản lý và điều khiển giá trị điện áp đầu ra theo nhiệt độ môi trường hoạt động. Dữ liệu hiệu chỉnh về sự phụ thuộc vào nhiệt độ của đỉnh năng lượng nguồn 137Cs (662 keV) được lưu trữ trong bộ nhớ, và tùy vào nhiệt độ môi trường đo được vi xử lý sẽ tính toán và đưa ra giá trị chính xác của điện áp phân cực cho SiPM. Kết quả cho thấy trong dải nhiệt độ môi trường hoạt động của đầu đo thay đổi từ 0,5⁰C đến 45⁰C thì sự thay đổi của vị trí kênh đỉnh năng lượng 662 keV khi chưa hiệu chỉnh và khi đã hiệu chỉnh tương ứng là 247 kênh và 5 kênh. Như vậy, phương pháp hiệu chỉnh sự phụ thuộc vào nhiệt độ của biên độ xung ra SiPM trong nghiên cứu này có thể phát triển rộng rãi trong các đầu đo nhấp nháy sử dụng SiPM thay thế cho ống nhân quang điện (PMT).

PGĐ. ThS Nguyễn Văn Sỹ trình bày đề tài Nghiên cứu:

“ĐIỀU CHỈNH CHO SỰ PHỤ THUỘC VÀO NHIỆT ĐỘ CỦA BỘ ĐẦU DÒ NHẤP NHÁY SiPM”.

Tiếp đến là phần trình bày của ThS. Nguyễn Văn Bính với bài Nghiên cứu: “ ẢNH HƯỞNG CỦA CHÙM ĐIỆN TỬ GIA TỐC (EB) ĐẾN MỘT SỐ ĐẶC TÍNH CỦA XANTHAN CHIẾU XẠ Ở TRẠNG THÁI KHÔ”. Tác giả đã chỉ ra rằng, xử lý chiếu xạ cắt mạch đã được biết đến như là công cụ hiệu quả để phân hủy các polysaccharide thành các phân đoạn có kích thước và khối lượng phân tử nhỏ hơn hay thậm chí tạo oligo-saccharide với hoạt tính sinh học cải thiện. Tuy nhiên, phổ biến các nghiên cứu về chủ đề này trên Thế giới hiện nay được thực hiện với bức xạ tia gamma. Trong nghiên cứu của nhóm Tác giả, xanthan dạng khô được chiếu xạ bằng chùm điện tử (EB). Độ nhớt và khối lượng phân tử của xanthan giảm khi chiếu xạ và mức giảm tăng cùng với liều chiếu. Chiếu xạ EB không làm thay đổi cấu trúc của xanthan dù phổ UV và FT-IR đều cho thấy đỉnh hấp thụ ứng với nhóm carbonyl tăng lên do quá trình cắt mạch làm hình thành các liên kết đôi C=O trong phân tử.

ThS. Nguyễn Văn Bính trình bày đề tài Nghiên cứu:

“ ẢNH HƯỞNG CỦA CHÙM ĐIỆN TỬ GIA TỐC (EB) ĐẾN MỘT SỐ ĐẶC TÍNH CỦA XANTHAN CHIẾU XẠ Ở TRẠNG THÁI KHÔ"

ThS. Trần Băng Diệp tiếp tục seminar với đề tài: “ẢNH HƯỞNG CỦA BỨC XẠ GAMMA GÂY BIẾN ĐỔI DI TRUYỀN VÀ TĂNG KHẢ NĂNG SINH CELLULASE CỦA Trichoderma reesei VTCC 31572”. Tác giả và các cộng sự đã xử lý chiếu xạ ở dải liều 0–2500 Gy trên nguồn gamma Co–60 đối với dung dịch bào tử của Trichoderma reesei VTCC 31572 tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng, Đột biến tiềm năng sinh cellulase cao xuất hiện ở tất cả các liều xạ. Năm (05) dòng đột biến tiềm năng có khả năng thủy phân cellulose (HC) vượt trội và ổn định đã được sàng lọc và lựa chọn từ hàng trăm khuẩn lạc kháng xạ (khoảng liều 700–1500 kGy) và sinh celluase cao trên môi trường PDA có bổ sung CMC và Congo đỏ. Khả năng sinh CMCase và FPase của các dòng đột biến này được duy trì ổn định ít nhất sau 4 thế hệ liên tiếp. Trong đó, dòng  VTCC(r)–1 có hoạt độ CMCase cao hơn chủng gốc là 2,47 lần và  hoạt độ FPase cao hơn chủng gốc 2,29 lần. Đồng thời, đã phát hiện 1 đột biến dẫn đến thay thế gốc amino acid alanine thành threonin ở vị trí 325 và thêm một bộ ba arginine vị trí 413 trên gen mã hóa endoglucanase của dòng đột biến VTCC(r)–1 so với chủng thuần. Những thay đổi này có thể đã làm tăng mức độ sinh tổng hợp cellulase của VTCC(r) I–1. Đây là bằng chứng cho thấy khả năng ứng dụng phương pháp chiếu xạ gamma để tạo đột biến, tăng cường sản xuất cellulase ở và Trichoderma reesei cũng như các chủng Trichoderma sp. nói chung.

ThS. Trần Băng Diệp trình bày đề tài Nghiên cứu:

“ẢNH HƯỞNG CỦA BỨC XẠ GAMMA GÂY BIẾN ĐỔI DI TRUYỀN VÀ TĂNG KHẢ NĂNG SINH CELLULASE CỦA Trichoderma reesei VTCC 31572

Cuối cùng là phần trình bày của ThS. Trần Mạnh Thắng với đề tài: “KHẢO SÁT ĐIỀU KIỆN KHÂU MẠCH VÀ ẢNH HƯỞNG LIỀU CHIẾU LÊN MÀNG BLEND TPS/PBAT PHÂN HỦY SINH HỌC”. Xuất phát từ ý tưởng rằng: Rác thải nhựa đã gây ô nhiễm môi trường và đang đe dọa các hệ sinh thái vì vậy cần nghiên cứu chế tạo vật liệu mới có khả năng phân hủy sinh học (PHSH), giá thành rẻ, tính năng tương đương với Polyethylen (PE) là vấn đề cấp bách. Nhóm tác giả cho biết, tinh bột sắn là nguồn nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam và Polybutylene Adipate Terephthalate (PBAT) là 2 loại vật liệu PHSH vì vậy trong nghiên cứu này, tinh bột sắn phối trộn với glyxerin và ethylene glycol; tween 80 tạo thành tinh bột nhiệt dẻo (TPS), sau đó TPS được phối trộn với PBAT có tác nhân khâu mạch TAIC (3%) tạo thành màng blend TPS/PBAT. Khảo sát điều kiện chiếu xạ màng blend TPS/PBAT bằng tia gamma (nguồn cobalt-60) và thiết bị phát chùm điện tử (EB) ở các liều chiếu xạ khác nhau. Hàm lượng gel của màng đạt cao nhất là 80,2% khi chiếu bằng nguồn Co-60 ở liều chiếu xạ 100 kGy đạt 80,2%, và  79,48% hàm lượng gel của màng cao nhất khi chiếu xạ bằng EB ở liều chiếu xạ 150 kGy đạt 79.48 %. Thử nghiệm phân hủy bởi enzyme alpha-amalyse cho thấy màng bị mất khoảng 54% khối lượng của màng sau 28 ngày; khi chôn ủ trong đất cho thấy bề mặt màng bắt đầu bị phân hủy sau 45 ngày.

ThS. Trần Mạnh Thắng trình bày đề tài Nghiên cứu:

 “KHẢO SÁT ĐIỀU KIỆN KHÂU MẠCH VÀ ẢNH HƯỞNG LIỀU CHIẾU LÊN MÀNG BLEND TPS/PBAT PHÂN HỦY SINH HỌC”

Seminar Khoa học đã diễn ra thành công tốt đẹp với 04 Nghiên cứu Khoa học hấp dẫn. Mỗi bài thuyết trình đều có phần trình bày nghiên cứu cặn kẽ, mục câu hỏi và giải đáp thú vị, tạo nên sự tò mò và quan tâm của các cán bộ tham dự. Đặc biệt, các ý kiến đóng góp và nhận xét từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các cán bộ, nhân viên tại TTCXHN đã cung cấp định hướng quan trọng cho các đề tài nghiên cứu, giúp chúng có thể ứng dụng một cách hiệu quả trong tương lai. Tất cả các thành viên trong trung tâm đều đã tích cực thảo luận và trao đổi để cải thiện cách thiết kế slide thuyết trình, sử dụng các từ ngữ rõ ràng, đúng chuyên môn và dễ hiểu, tạo hình ảnh và logo phù hợp, cùng với cỡ chữ thích hợp để làm cho bài trình bày trở nên chuyên nghiệp và hấp dẫn. Về mặt nội dung nghiên cứu khoa học, những bài thuyết trình này đã hào hứng trong phần đông người tham dự Seminar. Các nghiên cứu viên và nhà khoa học đã tận tâm phân tích sâu vào kết quả thu được của mỗi đề tài, đưa ra các quan điểm chính xác và hữu ích, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của các nghiên cứu. Những ý kiến, khắc phục và những giải đáp sẽ giúp phần nào đó cho các Tác giả vững tin, chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 15 (VINANST–15) diễn ra tại Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.

Một số hình ảnh khác trong buổi seminar

Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thường xuyên tổ chức các buổi seminar về các đề tài khoa học nhằm tạo điều kiện giúp các nhà nghiên cứu hình thành năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển bản thân, mở rộng vốn kiến thức, tạo cơ hội tốt nhất cho cán bộ trong đơn vị trao đổi và học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu, giải đáp những thắc mắc gặp phải trong quá trình lựa chọn và thực hiện đề tài, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.

 

Nguyễn Xuân Tùng, Mai Đức Minh – Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội